Nghệ An có tiềm năng khá lớn trong phát triển ngành công nghiệp biến nông, lâm thủy sản, với các sản phẩm chủ yếu như lạc, chè, cao su, cam, đàn vật nuôi trâu bò, lợn, gia cầm, gỗ, lùng, thủy sản... Năm 2013, trên địa bàn tỉnh có 30.891 cơ sở công nghiệp chế biến, chế tạo, thu hút khoảng 53.958 lao động. Nhìn chung, những năm qua, công nghiệp chế biến vẫn giữ được tốc độ tăng trưởng ổn định và quyết định tốc độ phát triển công nghiệp trên địa bàn. Trong nội ngành công nghiệp chế biến, giá trị lĩnh vực chế biến từ 5,55% (năm 2010) lên 59,38% năm 2013. Các quy hoạch vùng nguyên liệu phục vụ phát triển công nghiệp chế biến nông, lâm, thủy sản trên địa bàn đã được quy hoạch và phê duyệt. Các vùng cây nguyên liệu tập trung, quy mô lớn tạo nguồn cung cấp nguyên liệu dồi dào cho công nghiệp chế biến; cơ sở hạ tầng phục vụ sản xuất được đầu tư phát triển; nhiều tiến bộ KHKT được ứng dụng vào sản xuất làm tăng năng suất và chất lượng hàng hóa nông lâm thủy sản.
Mục tiêu đến năm 2015, sẽ tạo thêm nguồn sản phẩm chất lượng cao, nâng cao khả năng cạnh tranh trong nước và quốc tế; thúc đẩy nông nghiệp Nghệ An phát triển, các vùng chuyên canh cây công nghiệp tập trung tiếp tục được duy trì, phát triển theo hướng hàng hóa, đáp ứng được nguyên liệu cho các nhà máy chế biến; giá trị sản xuất ngành công nghiệp chế biến nông, lâm, thủy sản phục vụ xuất khẩu (theo giá cố định 2010) đạt 24 nghìn tỷ đồng, tốc độ tăng trưởng giai đoạn 2016 - 2020 bình quân 12,2 - 12,5%/năm. Kim ngạch xuất khẩu hàng nông sản chế biến trên địa bàn đạt 500 triệu USD, chiếm tỷ lệ 66,7% kim ngạch xuất khẩu hàng hóa, tăng bình quân 17,02%/năm.
Sau khi nghe ý kiến của các ban ngành liên quan, đồng chí phó chủ tịch UBND tỉnh kết luận: Sở Công thương Nghệ An - đơn vị chủ trì xây dựng đề án cần tiếp thu ý kiến góp ý của các ban ngành liên để hoàn thiện đề án sớm trình UBND tỉnh. Trong đó lưu ý đánh giá lại thực trạng công nghiệp chế biến, vùng nguyên liệu với các số liệu được cập nhật của năm 2014 để từ đó có các giải pháp phù hợp. Rà soát lại các lĩnh vực mũi nhọn để ưu tiên đầu tư, đồng thời quy hoạch vùng nguyên liệu phù hợp để cân đối nguồn nguyên liệu phục vụ chế biến. Quan điểm là phải gắn công nghiệp chế biến với doanh nghiệp, thị trường đầu ra sản phẩm, ứng dụng KHCN vào sản xuất nhằm khai thác hết tiềm năng lợi thế. Đặc biệt, quan tâm đến vấn đề môi trường khi xây dựng các nhà máy, cơ sở chế biến nông, lâm, thủy sản trên địa bàn.