Chế biến tôm xuất khẩu.
XK tôm Việt Nam từ 1998 đến 2017 đã đạt được thành tích khá ấn tượng với mức tăng trưởng 752% từ 453 triệu USD trong năm 1998 lên gần 4 tỷ USD năm 2017 (tăng 8,5 lần).
Trong 20 năm, dù phải đối mặt với bao thử thách nhưng toàn ngành tôm vẫn vươn lên trở thành ngành XK chủ lực, mang lại doanh thu cao nhất trong số các sản phẩm thủy sản XK, góp phần giúp cho thủy sản Việt Nam “vang danh” trên thị trường quốc tế. Ngày nay, tôm Việt Nam ngày càng khẳng định được thương hiệu và chất lượng của mình với vị trí đứng thứ 3 thế giới về XK. Các DN XK tôm Việt Nam ngày càng tăng doanh thu, uy tín, khẳng định được thương hiệu, làm tốt trách nhiệm của DN với xã hội và môi trường.
XK tôm Việt Nam lần lượt chinh phục các đỉnh cao mới
Tôm ngày càng chiếm vị trí quan trọng, đóng góp tỷ trọng lớn vào tổng XK thủy sản. Trong tổng XK thủy sản, tỷ trọng kim ngạch XK tôm trung bình chiếm khoảng 50%.
Trong 20 năm (1998-2017), giá trị XK tôm của Việt Nam đã ghi nhận bước tăng trưởng vượt bậc với đà tăng 752%. Trong 20 năm, giá trị XK tôm đạt thấp nhất vào năm 1998 với 453 triệu USD khi ngành tôm chưa được chú trọng phát triển, sản lượng nuôi còn thấp và công nghệ chế biến còn chưa cao. Từ 1998 -2002, kim ngạch XK tôm mặc dù chưa vượt qua được 1 tỷ USD nhưng tăng trưởng đều qua các năm. Năm 2003, lần đầu tiên kim ngạch XK tôm của Việt Nam vượt 1 tỷ USD. Từ 2004 đến 2009, giá trị XK tôm tăng từ 1,3 tỷ USD lên 1,7 tỷ USD với tốc độ tăng trưởng hàng năm không cao nhưng ổn định.
Năm 2010, con tôm lần đầu tiên mang về cho Việt Nam hơn 2 tỷ USD, tăng trưởng 25% so với 2009. Vị thế tôm Việt ngày càng được khẳng định. Trong năm 2010, sự cố tràn dầu ở vịnh Mexico xảy ra đã kéo giá tôm sú thế giới lên mức khá cao. Cùng với nhu cầu tôm trên thị trường thế giới tăng cũng kéo theo cả khối lượng và giá trị XK tôm Việt Nam đều tăng.
Năm 2012, tôm Việt nhận “trái đắng” đầu tiên sau nhiều năm. Năm 2012, lần đầu tiên XK tôm của Việt Nam giảm 6,6% do hàng loạt các rào cản kỹ thuật được tạo ra ở nhiều nước nhằm gây khó khăn cho tôm Việt trong đó có rào cản Ethoxyquin từ Nhật Bản. Không chỉ vậy, năm 2012 cũng ở chính giữa thời điểm cuộc khủng hoảng kinh tế thế giới, qua đó nhu cầu tiêu thụ tôm thế giới giảm mạnh. Một nguyên nhân nữa khiến giá trị XK tôm năm 2012 giảm chính là dịch bệnh EMS đã tác động không nhỏ đến sản xuất, chế biến, XK tôm của Việt Nam.
Sau 2012 có thể nói là 2 năm liền thắng lớn của XK tôm Việt Nam: năm 2013 XK đạt 3 tỷ USD và 2014 với gần 4 tỷ USD.
Năm 2013, lần đầu tiên trong lịch sử, XK tôm Việt Nam vượt qua mốc 3 tỷ USD. Nguồn cung tôm thế giới giảm do dịch bệnh EMS, giá tôm trên thị trường thế giới tăng mạnh, nhu cầu NK tôm chân trắng tăng cao cung với sản lượng tôm chân trắng của Việt Nam tăng nhanh trong năm 2013 là những yếu tố chính giúp Việt Nam thu được kết quả này. Bên cạnh đó, trong năm 2013, tôm Việt Nam được hưởng lợi ở thị trường Mỹ khi nước này công nhận tôm Việt Nam không nhận trợ cấp từ Chính phủ. Theo đó, các DN tôm không phải chịu 2 lần thuế khi XK vào nước này.
Năm 2014, XK tôm tiếp nối đà đi lên của năm 2013, tăng trưởng 26,9% đạt đỉnh 3,95 tỷ. Đây vẫn là mức cao kỷ lục của tôm Việt Nam tính tới nay. Nguyên nhân là nhờ nhu cầu tôm thế giới cao và đồng USD tăng mạnh.
Thắng lợi của XK tôm Việt Nam trong 2 năm 2013 và 2014 đã khẳng định vững vàng vị thế của tôm Việt, nhất là trong bối cảnh một loạt các đối thủ cạnh tranh đều gặp khó khăn. Cụ thể, Thái Lan đã bị chịu tác động mạnh sau thông tin ngành tôm nước này sử dụng bột cá do các tàu khai thác trái phép được đăng tải trên truyền thông Anh.
XK tôm năm 2015 đạt gần 3 tỷ USD; giảm 25,5%. Trong năm 2015, giá XK giảm mạnh trong khi nhu cầu NK từ các thị trường chính không tăng. Giá tôm thế giới giảm mạnh từ 15-20% do chênh lệch cung cầu ở thị trường Mỹ, EU và Nhật Bản. Năm 2015 là một năm không thuận lợi của ngành tôm Việt Nam. Tình hình thời tiết diễn biến phức tạp trên cả nước, thị trường XK khó khăn và biến động tỷ giá tiền tệ làm cho tôm Việt Nam bị cuốn trong vòng xoáy giảm giá.
Từ 2016 đến nay, XK tôm phục hồi, liên tục tăng trưởng dương trong từng tháng của năm. Nhu cầu từ các thị trường chính tăng trong khi nguồn cung thế giới giảm. Năm 2017, XK tôm đã đạt gần mức đỉnh năm 2014 với 3,85 tỷ USD nhờ những nỗ lực của toàn ngành như tập trung vào các sản phẩm chế biến sâu có giá bán tốt. Bên cạnh đó, là những nỗ lực của Việt Nam trong việc kiểm soát chất kháng sinh trong sản phẩm XK, nên các nhà NK, phân phối và người tiêu dùng đã quay trở lại sử dụng mạnh mẽ các sản phẩm tôm của Việt Nam.
Tỷ trọng XK tôm chân trắng ngày một tăng
XK tôm chân trắng tăng gần 335 lần trong 20 năm. Kim ngạch XK mặt hàng này tăng trưởng mạnh nhất trong 3 mặt hàng tôm XK chính của Việt Nam. Trong 20 năm, tỷ trọng mặt hàng này trong tổng kim ngạch XK tôm tăng từ1,6% lên 66%. Từ giá trị XK đạt thấp nhất trong 3 loại tôm chính XK của Việt Nam năm 1998 với chỉ trên 7,5 triệu USD, năm 2017, tôm chân trắng đã đạt kim ngạch XK cao kỷ lục với trên 2,5 tỷ USD.
Năm 2013 cũng là năm đầu tiên tôm chân trắng vượt qua tôm sú về giá trị XK. Trước năm 2012, tôm chân trắng luôn chiếm tỷ trọng thấp hơn tôm sú trong tổng cơ cấu sản phẩm tôm XK. Với thời gian nuôi ngắn, năng suất cao trong khi giá bán khá ổn định, tôm chân trắng được coi là một trong những đối tượng nuôi chủ lực của ngành nuôi trồng thủy sản. Với đặc điểm vượt trội về năng suất, lợi nhuận cộng với sản lượng dự kiến tăng, thị trường tiêu thụ thuận lợi, dự báo sản lượng và kim ngạch XK tôm chân trắng sẽ tiếp tục tăng trong các năm tới.
XK tôm sú tăng 7 lần trong 20 năm. Giá trị XK mặt hàng này đạt thấp nhất 126 triệu USD năm 1998 và đạt cao nhất năm 2010 với trên 1,4 tỷ USD. Từ 1998-2002, XK mặt hàng này tăng trưởng liên tục. Từ 2003-2014, XK tăng giảm thất thường. XK mặt hàng này bắt đầu giảm từ 2015 và tỷ trọng giảm từ 66% năm 2010 xuống 23% năm 2017.
Thuận lợi từ thị trường
Trong nước, ngành tôm đang nhận được sự quan tâm, khuyến khích, tạo điều kiện thuận lợi từ cơ chế, chính sách. Chương trình mục tiêu phát triển kinh tế thủy sản bền vững giai đoạn 2016 - 2020 đã Chính phủ được phê duyệt, theo đó, phấn đấu chủ động sản xuất 100% giống tôm sú, tôm chân trắng, là giống sạch bệnh đang tháo gỡ khó khăn về vấn đề giống cho các DN trong ngành. Bộ Nông nghiệp và các cơ quan quản lý ngày càng sát sao hơn trong việc tháo gỡ vướng mắc cho cộng đồng DN trong thủ tục XK, tạo điều kiện XK.
Về thị trường XK, kinh tế thế giới được dự báo sẽ hồi phục, đặc biệt tại các thị trường chính như Mỹ, châu Âu, Nhật Bản và Trung Quốc, là cơ sở để dự báo nhu cầu thủy sản tại các thị trường này tiếp tục tăng trưởng trong năm nay. Bên cạnh đó, một loạt hiệp định tự do thương mại song phương và đa phương với các nước đã được ký kết sẽ mở ra cơ hội cho các DN Việt Nam đẩy mạnh xuất khẩu thủy sản sang các thị trường này.
Xuất khẩu tôm sẽ tăng trưởng mạnh trong tương lai
Năm 2017, cùng với cá tra, tôm chính thức được Chính phủ phê duyệt là sản phẩm quốc gia và cần phải được đầu tư đẩy mạnh phát triển. Bên cạnh đó, mới đây, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Kế hoạch hành động quốc gia phát triển ngành tôm Việt Nam đến năm 2025.
Mục tiêu là đưa ngành tôm Việt Nam trở thành ngành công nghiệp sản xuất lớn, bền vững, thích ứng với biến đổi khí hậu và bảo vệ môi trường sinh thái; đồng thời, nâng cao chất lượng, giá trị, hiệu quả sản xuất và sức cạnh tranh của sản phẩm tôm Việt Nam, mang lại lợi ích cho người dân, DN và nền kinh tế đất nước. Đây được xem là những “cú hích” quan trọng cho sự phát triển của ngành tôm Việt Nam trong thời gian tới. Năm 2018, nhiều chuyên gia tôm lạc quan dự báo XK tôm sẽ đạt trên 4 tỷ USD.
Thu Hà VASEP